Các nghi lễ, thủ tục cưới hỏi Việt Nam truyền thống

Ngày đăng: 2021-01-12 17:35:31

Từ xa xưa, người Việt vốn đã coi trọng các nghi lễ, thủ tục cưới hỏi, thậm chi đây còn được coi là một trong những công việc trọng đại của đời người. Các nghi lễ, thủ tục cưới hỏi Việt Nam bao giờ cũng mang đậm màu sắc văn hóa phương Đông. Dù cuộc sống hiện đại ngày nay đã và đang du nhập rất nhiều hệ tư tưởng mới nhưng những gì thuộc về bản sắc, truyền thống trong cưới hỏi gần như vẫn còn giữ được rất nhiều. Nó vừa kế tục phong tục tập quán của dân tộc vừa được cách tân ngày càng văn minh theo sự phát triển của thời đại. Vậy một đám cưới truyền thống của người Việt sẽ bao gồm những nghi lễ, thủ tục nào? Từng vùng miền có gì khác nhau? tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây.

6 lễ trong đám cưới Việt Nam truyền thống

Thủ tục cưới hỏi tại Việt Nam đã trải qua rất nhiều sự thay đổi, theo sự phát triển của cuộc sống hiện đại đã có những nghi lễ được lược bỏ bớt. Nhưng trong một đám cưới truyền thống của người Việt bao giờ cũng bao gồm 6 lễ trong đám cưới. Đối với đôi trai gái yêu nhau, lục lễ trong cưới hỏi mang ý nghĩa rất thiêng liêng sâu sắc. Đây là mốc son thể hiện 2 người đã trở thành vợ chồng, cùng nhau vun đắp xây dựng cuộc sống.

6 lễ trong đám cưới Việt Nam truyền thống

Thứ nhất – Lễ Nạp Thái: “nạp thái” có ý nghĩa là “thu nạp những sính lễ mà nhà trai mang đến để thưa chuyện với nhà gái”, là lễ đầu tiên trong trình tự “lục lễ”. Trong lễ này nhà trai sẽ mang sang nhà gái một đôi chim ngạn để làm sính lễ, bởi chim nhạn biểu trưng cho sự thuận theo thời tiết âm dương và hàm ý người vợ sẽ theo đạo nghĩa của người chồng.

Thứ hai – Lễ Vấn Danh: Đoàn nhà trai sẽ gồm một vài người mang theo lễ vật gồm chè, rượu, trầu, cau. Chủ yếu của lễ này là nhà trai biết được ngày, tháng, năm sinh của cô gái, để về xem tuổi.

Thứ ba – Lễ Nạp Cát: Sau lễ vấn danh, bên nhà trai thấy đôi trẻ hợp tuổi, liền đánh tiếng để xin làm lễ ăn hỏi. Tất nhiên phải chọn ngày lành, tháng tốt. Bên nhà trai thường hỏi ý kiến bên nhà gái các chi tiết cụ thể và số lễ vật.

Thứ tư – Lễ Nạp Trưng: Đây chính là lễ thách cưới, lễ này là nhà gái đòi hỏi nhà trai phải nạp những gì. Nhà gái thường nói đội lên những yêu cầu rất cao về các đồ sính lễ.

Thứ năm – Lễ Thỉnh Kỳ: Là lễ xin định ngày giờ làm lễ cưới, nhưng ngày giờ cũng do bên trai định, rồi hỏi lại ý kiến bên gái, thường thì nhà gái cũng tùy ý bên trai và thuận theo đó để tổ chức.

Thứ sáu – Lễ Thân Nghinh: Bên trai đem lễ vật sang làm lễ rước dâu về theo ngày lành, tháng tốt đã thông báo từ trước đấy.

Các thủ tục cưới hỏi Việt Nam theo từng vùng miền

Ngoài những nghi lễ đã đề cập đến ở trên thì phong tục cưới hỏi của người Việt Nam truyền thống còn có sự khác nhau ở từng vùng miền. Tùy theo văn hóa vùng miền, các thủ tục cưới hỏi ở Việt Nam sẽ có sự khác nhau nhất định. Vì vậy, khi các bạn lấy vợ/chồng khác vùng miền thì nên chú ý đến cả điều này.

Thủ tục cưới hỏi miền Bắc

Thủ tục cưới hỏi miền Bắc

Ở nước ta miền Bắc chính là nơi lưu giữ được những truyền thống văn hóa một cách sâu sắc nhất, con người miền Bắc cũng rất trọng lễ nghi và thủ tục. Bởi lẽ đó mà các phong tục cưới hỏi miền Bắc vẫn được coi là nhiều khâu, nhiều phần, tốn khá nhiều thời gian và công sức. Về cơ bản thủ tục cưới hỏi miền Bắc sẽ bao gồm 4 thủ tục chính là:

+ Thủ tục lễ dạm ngõ miền Bắc

+ Thủ tục lễ ăn hỏi miền Bắc

+ Thủ tục lễ cưới miền Bắc

+ Thủ tục lễ lại mặt miền Bắc

Trình tự cưới hỏi của người miền Bắc không chỉ mang tính chất nghi lễ mà nó còn là phong tục truyền thống, trang nghiêm, khắt khe và chú trọng đến từng chút một. Như tráp cưới phải là số lẻ, tiền xin dâu phải là con số may mắn hay các lễ phẩm ăn hỏi, xin dâu phải là số chẵn, số có ý nghĩa tốt.

Thủ tục cưới hỏi miền Trung

Thủ tục cưới hỏi miền Trung

Thủ tục cưới hỏi miền Trung thường được thực hiện đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều về vật chất nên việc cưới hỏi không tốn kém quá nhiều. Tuy nhiên, họ rất coi trọng về các nghi thức trong lễ cưới, nhìn vào phong tục cưới hỏi miền Trung, bạn sẽ nhận ra sự giao thoa giữa những lễ nghi ràng buộc của miền Bắc và sự phóng khoáng của miền Nam. Các thủ tục về cơ bản vẫn sẽ giống như đám cưới của người miền Bắc nhưng trong từng khâu sẽ đơn giản đi hơn rất nhiều.

Thêm vào đó, người miền Trung rất chú trọng việc chọn ngày lành tháng tốt, chọn đồ hợp mệnh cho cặp đôi tân lang, tân nương. Ngoai ra, trong phòng tân hôn sẽ có một khay lễ gồm 12 miếng trầu, đĩa muối gừng và rượu giao bôi.

Thủ tục cưới hỏi miền Nam

Thủ tục cưới hỏi miền Nam

Miền Nam là một vùng miền nổi tiếng về lối sống đơn giản, hào phóng và dễ chịu hơn những vùng miền còn lại. Nên vì vậy, mọi người vẫn thường hay đùa nhau là lấy vợ miền Nam cưới rất “nhàn” Cũng giống như phong tục cưới hỏi của hai miền còn lại, thủ tục cưới hỏi miền Nam vẫn có đầy đủ 4 lễ cơ bản như: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới và lễ lại mặt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy một số nét đặc trưng cùng các quy định riêng về lễ vật ở vùng miền này.

Ngoài ra, trong đám cưới miền Nam còn có một thủ tục rất được đề cao chính là lễ lên đèn, nghi lễ này nhằm tuyên bố sự gắn kết chính thức của của cô dâu và chú rể trong cả cuộc đời. Hai ngọn nến to của họ nhà trai mang đến sẽ được đặt một cách trang trọng lên bàn thờ nhà gái. Sau đó, trưởng tộc nhà gái sẽ là người tuyên bố làm lễ lên đèn, cô dâu chú rể là người trực tiếp đốt nến trên bàn thờ gia tiên của nhà gái.

Sự khác nhau trong phong tục cưới hỏi Việt Nam xưa và nay

Trải qua rất nhiều năm những phong tục cưới hỏi Việt Nam xưa và nay luôn có những điểm khác nhau nhất định. Các cặp đôi uyên ương ít được biết đến những phong tục tập quán trong cưới hỏi xưa, mà đơn thuần chỉ được biết đến phong tục cưới hỏi Việt Nam hiện đại mà thôi.

Sự khác nhau trong phong tục cưới hỏi Việt Nam xưa và nay

+ Quan niệm về lễ cưới:

  • Truyền thống: Để tiến đến được hôn nhân , cô dâu chú rể phải được sự đồng ý của gia đình hai bên, đôi khi phải căn cứ theo hoàn cảnh hai nhà, cả hai gia đình đều phải phù hợp hay đây chính là quan niệm “môn đăng hộ đối”.
  • Hiện đại: Cặp đôi uyên ương đã có nhiều quyền quyết định hạnh phúc của mình hơn, họ có quyền tìm hiểu và quyết định đến với nhau bằng đám cưới. Không còn phụ thuộc nhiều vào việc gia đình hai bên có "môn đăng hộ đối" hay không nữa.

+ Nghi lễ cưới hỏi:

  • Truyền thống: Nghi lễ cưới hỏi trong xã hội truyền thống có phần rườm rà, nhiều thủ tục hơn.
  • Hiện đại: Một số tục lệ trong đám cưới xưa đã được lược bớt để phù hợp với đời sống hiện đại.

+ Trang phục:

  • Truyền thống: Trước kia cô dâu thường mặc áo mớ ba, bên trong là áo có màu rực rỡ, đến thời gian sau này, cô dâu thường mặc áo dài trắng hoặc váy trắng dài đơn giản. Chú rể sẽ mặc trang phục quần âu, áo sơ mi.
  • Hiện đại: Trong lễ ăn hỏi, cô dâu thường mặc áo dài truyền thống, trong đám cưới ngày nay, cô dâu chú rể mặc trang phục theo kiểu phương Tây.

Dù nghi lễ, thủ tục cưới hỏi Việt Nam ngày nay đã có những sự thay đổi không hề nhỏ. Đơn giản hơn nhưng vẫn giữ được màu sắc văn hóa, những giá trị cốt lõi thể hiện cho bản sắc dân tộc. Tùy theo từng hoàn cảnh khác nhau mà đám cưới có thể được tổ chức những cách khác nhau, các trình tự đám cưới có thể đơn giản hóa hay tổ chức cầu kỳ. Nhưng tựu chung lại vẫn sẽ có những điều cao quý, thiêng liêng nhất, thể hiện cho sự gắn kết của các cặp đôi.

 

Tham khảo thêm : Bật mí cách treo ảnh gia đình trong phòng khách đúng chuẩn